Dì Linh dẫn chúng tôi đi mua trái cây và đồ ăn vặt đến nhà cậu bé kia xin lỗi. Cửa nhà họ không đóng, lúc chúng tôi đến còn nghe mẹ cậu bé đó đang phàn nàn với chồng về nhà dì Linh.
Nhìn thấy quà xin lỗi phong phú trên tay chúng tôi, mặt cô ấy đỏ lên.
Chân Chân nghiêm túc xin lỗi cậu bé kia.
Mẹ cậu ấy nói: “Trẻ con chơi đùa thôi, đừng khách sáo vậy.”
Bố cậu ấy còn muốn cho chúng tôi đồ ăn vặt, chúng tôi không nhận.
Khi ra cửa, chúng tôi nghe mẹ cậu ấy nói với chồng: “Chị Linh cũng không phải người ngang ngược như mọi người nói.”
Chồng cô ấy bảo: “Em đừng có nghe mấy lời bàn tán của mấy người trong xóm, họ không có việc gì làm, thích sinh sự những chuyện không đâu. Em là phụ nữ trí thức, chắc chắn hiểu lý lẽ.”
Sau khi về nhà, dì Linh hâm nóng bữa trưa làm thành cơm chiều.
Lúc ăn cơm, dì Linh nói với tôi: “Phán Phán giỏi quá, con kể chuyện mà dì nghe mê mẩn. Dì thấy con có thiên phú kể chuyện đấy.”
Tôi có thiên phú kể chuyện sao, chưa có ai khen tôi như vậy.
Tôi chuyển từ quê lên thị trấn, điểm số kém, thầy cô đều không thích tôi. Nhưng có lẽ tôi có thiên phú. Lúc nhỏ tôi ở quê cũng hay kể chuyện cho bạn bè nghe.
Sau bữa tối, dì Linh đọc truyện tranh cho Chân Chân nghe, tôi và Chu Hàm nghe rồi cũng ngủ thiếp đi.
8.
Tôi và Chu Hàm ở lại nhà dì Linh một tuần. Tôi thấy rất phiền dì Linh.
Dì Linh lại nói: “Hai đứa ở đây, dì với Chân Chân đều có người bầu bạn.”
Dì Linh nhìn thấy Chu Hàm dạy kèm tiếng Anh cho tôi. Tôi chưa từng học tiếng Anh nên Chu Hàm phải dạy tôi từ đầu. Dì Linh kéo Chân Chân nghe cùng.
Tiếng Anh của Chân Chân hình như còn tốt hơn tôi. Dì Linh thường cho Chân Chân xem phim hoạt hình tiếng Anh.
Dì Linh nói: “Chúng ta cũng học miễn phí lớp thầy Chu Hàm.”
Tôi làm việc nhà cho dì Linh. Dì Linh nói: “Phán Phán giỏi quá, nhỏ vậy mà làm việc nhanh nhẹn, giúp dì rất nhiều.”
Dì Linh thực sự không khiến chúng tôi có cảm giác ăn nhờ ở đậu.
Dì Linh còn nói: “Chân Chân gặp được hai đứa con thật tốt quá, dì đang lo không biết Chân Chân có hòa nhập được với những đứa trẻ khác hay không.”
Dì Linh dường như luôn có khả năng sống cuộc đời mình như một bài thơ.
Dì phát hiện tối tối tôi đi cho mèo ăn, dì mua riêng thức ăn mèo để cho tôi mang đi cho chúng ăn. Chân Chân cũng đi theo tôi cho mèo ăn. Em không để ý những đứa trẻ khác nhưng lại rất thích đám mèo kia.
Mỗi tối về có thể ăn đồ ăn nóng, có thể hưởng không khí ấm áp, ngày đẹp đẽ đến mức không thật.
Đám bà tám trong xóm hình như biết tôi và Chu Hàm ở nhà dì Linh. Họ mỉa mai sau lưng nói dì Linh không ra ngoài kiếm tiền, chắc chắn là không làm ăn đàng hoàng. Còn nói dì Linh dẫn chúng tôi làm chuyện không đứng đắn.
Tôi không hiểu sao họ lại ăn nói khó nghe như vậy. Nhưng cuộc sống của tôi không liên quan đến họ.
Lại đến cuối tuần, tôi và Chu Hàm, Chân Chân giúp dì Linh làm đồ thủ công.
Dì Linh gọi người đến giao hàng. Anh giao hàng đang kiểm hàng với dì Linh, cửa mở toang, một người đàn ông mặc áo khoác xanh lá cây chen vào.
“Ồ, em gái tốt quá, còn giúp anh chăm con. Anh biết em coi trọng anh mà, trước đó còn giả vờ với anh gì chứ.”
Giọng điệu người đàn ông ngả ngớn.
Chu Hàm bỏ đồ thủ công trên tay xuống, đứng dậy. Cậu đẩy người đàn ông ra ngoài: “Bố, chúng ta về đi.”
“Về con mẹ mày,” người đàn ông tát Chu Hàm một cái, “người lớn nói chuyện, con nít bớt xen ngang vào!”
Chu Hàm bị tát lệch người sang một bên.
Người đàn ông kia cười, đến gần dì Linh. Dì Linh đang cầm chiếc kéo inox để đóng gói hàng, dì chĩa kéo vào gã đó nói: “Phiền anh ra ngoài, nếu không tôi báo cảnh sát.”
Hắn cười nói: “Tính tình nóng nảy vậy, tôi thích.”
Chân Chân cảm giác không khí căn thẳng, bắt đầu bồn chồn cắn móng tay.
Tôi đi tới bên cạnh Chân Chân, ôm lấy em vỗ về.
Dì Linh lấy điện thoại định báo cảnh sát, gã kia mới kiềm chế lại, túm cổ áo Chu Hàm lôi đi.
Chu Hàm theo bố về căn nhà tồi tàn u ám kia.
9.
Sau khi bố Chu Hàm về, Chu Hàm mới được ăn cơm. Cậu ấy nói không biết ông ta kiếm tiền ở đâu mà còn nộp phí sưởi.
Chu Hàm không dám đến nhà dì Linh nữa. Cậu ấy nói sợ gây rắc rối cho dì Linh. Cậu ấy dạy kèm cho tôi ở hành lang.
Cậu ấy nói: “Không chừng ngày nào đó bố tôi lại đi, tôi phải dự trù bánh màn thầu cậu cho trước.”
Dì Linh mang một chiếc bàn nhỏ đến cho chúng tôi ở hành lang, chu đáo trang bị thêm một cái đèn bảo vệ mắt.
Bố Chu Hàm đi ngang qua thấy tôi và Chu Hàm đang học. Ông ta lấy sách giáo khoa của Chu Hàm ném ra ngoài.
“Học học học, học cái gì. Đi theo bọn A Cường kiếm tiền càng sớm càng tốt. Học mãi có ích gì, tốn tiền ông đây!”