Tôi giữ tay Chu Hàm, tôi cũng giận.
“Cậu nghe không hiểu tiếng người à? Ý dì Linh là bảo cậu ăn cơm cùng mọi người. Cậu như vậy tớ cũng không làm bạn với cậu nữa.”
Mắt Chu Hàm đỏ hoe.
Tôi nhân cơ hội đó kéo cậu ấy ra bàn.
Sau đó Chu Hàm không còn ra vẻ nữa, ăn cơm cùng chúng tôi, kể chuyện cười cho chúng tôi nghe.
Tâm tình, cảm xúc của cậu ấy đang dần ổn định lại, mỗi ngày đều giúp làm việc nhà và đồ thủ công.
Tôi cũng giúp.
Dì Linh nói: “Hai đứa thật chăm chỉ. Sau khi tụi con đến ở thì nhà cửa ngày càng sạch sẽ hơn.”
Dì Linh trìu mến nhìn chúng tôi: “Tụi con còn nhỏ, không cần phải ngoan ngoãn, hiểu chuyện đến vậy. Tùy hứng một chút cũng không sao.”
Tôi nhìn thấy trong mắt dì Linh là hình ảnh người mẹ mà tôi tưởng tượng.
Mẹ luôn cảm thấy tôi làm việc nhà là chuyện đương nhiên. Tôi làm việc nhà chậm chút là sẽ bị đánh. Dì Linh lại giục tôi và Chu Hàm học hành chăm chỉ.
Chu Hàm vẫn luôn dạy kèm cho tôi. Dưới sự kèm cặp của cậu ấy, tôi miễn cưỡng theo kịp tiến độ ở trường.
Trước kỳ thi cuối kỳ, bố mẹ tôi quay lại.
Tôi vừa vào hàng hiên, chưa lên lầu đã nghe mùi thuốc bắc quen thuộc.
Tôi chạy lên lầu nhìn thử. Trước cửa nhà tôi có mấy đôi giày người lớn, tôi biết bố mẹ tôi thực sự đã về.
Tôi chạy vào nhà: “Bố, mẹ!”
15.
Trẻn em thường nhớ ăn không nhớ đánh, chúng luôn nhớ bố mẹ khi họ rời nhà lâu ngày. Đại khái sống ở nhà dì Linh quá lâu nên tôi bắt đầu ảo tưởng cuộc sống ấm áp với bố mẹ mình.
Mẹ nhìn thấy tôi chạy vào nhà thì giật mình.
Bố đang tìm người sửa cửa sổ, lúc này ông đi tới cạnh mẹ. Trong nhà hình như đã có hệ thống sưởi nên ấm hơn.
Mẹ tôi nói nhỏ với bố: “Ông xã, làm sao giờ? Thầy nói phải bổ dương khí, ở chung với con gái có tạo ra âm khí không?”
Bố nói: “Trước kia tôi kêu bà vứt nó đi, bà không nỡ, cứ nói mẹ bà giúp nuôi nó được.”
Nhiệt tình trong tôi lập tức nguội lạnh. Tôi biết bố mẹ không thích mình, trong khoảnh khắc ngắn ngủi tôi đã quên mất họ không những không thích tôi mà thậm chí còn không cần tôi.
Tôi giận dỗi nói: “Con có thể không ở trong nhà, hai người tự ở đi.”
Tôi quay đầu chạy xuống nhà dì Linh.
Nếu dì Linh là mẹ tôi thì tốt quá.
Lúc ăn chiều, bố mẹ tôi gõ cửa nhà dì Linh. Tôi nhìn bố mẹ đứng ngoài cửa, lòng khấp khởi hy vọng. Có lẽ họ thấy mình nói quá đáng nên giờ đến dỗ tôi về nhà.
Dì Linh mở cửa, tôi chạy đến cạnh dì.
Mẹ thản nhiên: “Nghe nói con gái tôi ở nhà cô giúp làm đồ thủ công.”
Dì Linh vuốt tóc tôi nói: “Đúng rồi, Phán Phán rất thông minh, không chỉ làm đồ thủ công còn giúp làm việc nhà nữa.”
Bố tôi nói: “Con gái nhà tôi giúp cô làm việc, cô cũng phải biết điều một chút chứ.”
Biết điều một chút?
Tôi sững sờ. Đáy lòng dâng lên cảm giác bất an. Là ý mà tôi nghĩ sao?
Mẹ nói: “Chúng ta đều biết tiền công mỗi người làm được bao nhiêu, mà chưa chắc họ đã làm nghiêm túc.”
Bố nói: “Lừa trẻ con làm việc cho mình, dù gì cũng phải trả tiền cho bố mẹ nó chứ.”
Nụ cười trên mặt dì Linh cứng lại, gương mặt trở nên sắc bén.
Tôi đứng giữa dì Linh với bố mẹ, nói to: “Con không cần tiền công. Mỗi ngày con ăn ngủ ở nhà dì Linh, hai người còn phải trả tiền cơm, tiền chỗ trọ cho dì Linh.”
Bố tát tôi một cái, “Tao cho mày nói nhảm, chỉ biết bênh người ngoài.”
Lực tay của bố lớn, tôi ngã xuống đất, tai ù đi.
Chu Hàm đỡ tôi dậy.
Dì Linh xoa dịu tình hình: “Gần Tết rồi, đúng là tôi có chuẩn bị lì xì cho Phán Phán.”
Dì Linh về phòng lấy một bao lì xì ra. Trên bao lì xì có hình em bé đáng yêu.
Tôi lắc đầu: “Con không cần tiền của dì Linh.”
Bố giật lấy bao lì xì, dắt mẹ rời đi, không liếc mắt nhìn tôi một cái.